“Phải luôn thi đua học tập và công tác, mở rộng tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi, để làm cho bộ đội ta càng thêm hùng mạnh, chính quyền ta càng thêm vững chắc”
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư khen các chiến sĩ và cán bộ của các đơn vị tiếp quản Thủ đô”, đăng trên Báo Nhân dân, số 260, ra ngày 11 tháng 11 năm 1954.
Thư gửi của Người viết trong trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa mới kết thúc (07/5/1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21/7/1954). Sau một thời gian bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Để cổ vũ, động viên kịp thời các đơn vị quân đội tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi và có những lời căn dặn quý báu đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này. Lời căn dặn của Bác là sự nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta khi thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô cần ra sức thi đua trong học tập và công tác, tích cực tu dưỡng và rèn luyện, giữ vững phẩm chất, đạo đức, khí tiết của người quân nhân cách mạng; gương mẫu trong mọi lời nói, hành động và việc làm; phải thường xuyên mở rộng và nêu cao tự phê bình và phê bình...
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lời dạy của Bác có ý nghĩa to lớn, là sự định hướng cho quá trình học tập và công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là những cán bộ chủ trì các cấp, phải là lực lượng xung kích, đi đầu, phải nêu gương trên mọi lĩnh vực. Muốn vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức các cấp cần tích cực học tập để nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống; có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực, có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao; thường xuyên nêu cao tự phê bình và phê bình, khắc phục những hạn chế, yếu kém để hoàn thiện bản thân. Đặc biệt, cần kiên quyết đấu tranh phòng, chống và khắc phục kịp thời sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.